Giúp bạn đến shop nhanh nhất có thể
Đầu CD có thể coi là nguồn cung cấp tiếng đầu tiên trong quy trình xử lý âm thanh của 1 bộ dàn nghe nhạc…Thông thường, đầu đọc đơn 1 đĩa có chất lượng tốt hơn, do cơ chế hoạt động của nó đơn giản nhưng lại được thiết kế khá kỹ. Còn đầu đọc nhiều đĩa được sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường bình dân, sử dụng linh kiện chất lượng thấp và được bán với giá cạnh tranh.
Với sự xuất hiện của hai định dạng âm thanh mới là SACD và DVD-Audio cũng như sự phục sinh của đĩa than, nhiều người chơi âm thanh có xu hướng hoài nghi về tương lai của đĩa CD trong vài năm tới. Tuy nhiên, có một thực tế là cả các nhà sản xuất thiết bị âm thanh lẫn các nhà sản xuất chương trình đều đang và sẽ tiếp tục tập trung khai thác thị trường CD truyền thống. Theo số liệu điều tra của tổ chức RIAA, trong tháng 5/2005, toàn nước Mỹ có có tới 756 triệu đĩa CD được bán ra, trong khi đó chỉ có 400.000 đĩa DVD-Audio và 1.300.000 đĩa SACD được người tiêu dùng chấp nhận! Có nghĩa là trong 445 đĩa tiếng được bán trên thị trường thì chỉ có 1 đĩa DVD-A hay SACD, còn lại là đĩa CD. Đây gần như là một tỷ lệ áp đảo tuyệt đối khiến cho người ta vẫn coi CD là “vua” trong thời điểm hiện tại và có lẽ, trong nhiều năm nữa.
Với những ưu thế hiển nhiên của đĩa CD như giá thành rẻ và nhiều chương trình, đầu đọc CD đã trở thành một thiết bị âm thanh không thể thiếu trong mỗi bộ giàn âm thanh gia đình. Bạn có thể dùng đầu đọc DVD hoặc đầu đọc đa năng để chơi đĩa CD, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Trong các đầu đọc đa năng, việc thiết kế tích hợp các mạch audio lẫn video trong cùng một bo mạch sẽ gây nên hiện tượng can nhiễu và không thể đem lại chất lượng âm thanh như đầu đọc CD chuyên dụng.
Theo kinh nghiệm của nhiều người chơi âm thanh, một đầu đọc đa năng hay đầu đọc SACD khi được dùng để đọc đĩa CD chỉ mang lại chất lượng âm thanh tương đương với một chiếc đầu đọc CD chuyên dụng có giá tiền chỉ bằng một phần ba hoặc một nửa. Vì vậy, đầu đọc CD vẫn là một sản phẩm hiện đang “hút hàng” và các hãng sản xuất thiết bị âm thanh ngày càng giới thiệu nhiều sản phẩm đầu đọc mới, từ bình dân (low-end) đến cao cấp (hi-end).
Nhưng làm thế nào để lựa chọn một chiếc đầu đọc CD vừa ý? Người tiêu dùng đôi khi lúng túng và mất phương hướng giữa muôn vàn nhãn mác và các lời quảng cáo sản phẩm được phóng đại của những nhà sản xuất. Tuy nhiên, trước khi chọn, người sử dụng nên trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản về đầu đọc CD.
Đầu đọc CD được chia thành hai loại chính, đầu đọc 1 đĩa đơn (single-disc) và đầu đọc nhiều đĩa (multi-disc). Thông thường, những đầu đọc đơn 1 đĩa có chất lượng tốt hơn, do cơ chế hoạt động của nó đơn giản nhưng lại được thiết kế khá kỹ. Hiện nay, hầu như toàn bộ các đầu đọc chất lượng tốt đều là loại cơ đĩa đơn, với những linh kiện được chọn lựa cẩn thận.
Loại đầu đọc nhiều đĩa chủ yếu được sản xuất phục vụ thị trường bình dânvà được bán với giá cạnh tranh, nhờ vào thiết kế đơn giản và sử dụng những linh kiện chất lượng thấp. Đa phần các loại đầu multi-disc đều là loại hoạt động theo cơ chế mâm quay. Một mâm đĩa phẳng có thể chứa được từ 3 đến 7 đĩa và nó cho phép người ta có thể vừa nghe nhạc vừa đổi đĩa. Ngoài hai loại trên, còn một loại đầu đọc mega-changers cho phép nạp nhiều loại đĩa (từ 25 đến 400 đĩa CD). Loại đầu đọc này cho phép vừa nghe nhạc, vừa nạp thêm đĩa hoặc thay đĩa trong ổ. Một vài loại đầu đọc mega-changers có chất lượng rất khá.
Lựa chọn loại đầu đọc nào là do sở thích nghe nhạc của bạn. Một số người không quá cầu kỳ trong việc thưởng thức chất lượng âm thanh và thích sự tiện dụng thì sử dụng loại đầu đọc nhiều đĩa hoặc loại mega-changers. Còn những tín đồ audiophile thì lại chọn đầu đọc 1 ổ đĩa. Mặc dù loại đầu đọc này khá bất tiện khi thay đĩa nhưng họ sẵn sàng chấp nhận sự bất tiện đó để đổi lấy chất lượng âm thanh. Thông thường, đầu đọc càng nhiều đĩa thì khả năng tìm kiếm những bài hát, bản nhạc mà bạn ưa thích càng khó. Điều đó lý giải tại sao một số loại đầu đọc dạng mega-changers phải có cổng nối với máy tính để tiện theo dõi danh sách các bản nhạc và duyệt chương trình cho đầu đọc làm việc. Một số đầu đọc loại này còn cho phép down load các thông tin về đĩa (danh mục, nội dung) từ Interrnet, thông qua cổng kết nối với máy tính.
Các bộ phận cơ bản của một đầu đọc CD bao gồm: mạch cấp nguồn, cụm quang học (mắt đọc laser), khối cơ servo (làm dịch chuyển cụm quang học và điều khiển motor quay đĩa); khối vi xử lý trung tâm và mạch hiển thị (display); khối xử lý tín hiệu âm thanh (lọc số, chuyển đổi D/A, khuyếch đại tín hiệu ra 2 kênh&hellip.
Sau khi tín hiệu digital từ đĩa CD được mắt đọc tiếp nhận và qua quá trình xử lý, chuyển đổi, khuyếch đại phức tạp trong đầu đọc, nó trở thành tín hiệu audio được chuyển ra ngoài cho các thiết bị ampli, preampli hoặc receiver thông qua các ngõ ra analog được bố trí ở mặt sau của máy. Thông thường, ngõ ra analog là loại giắc RCA (còn gọi là giắc bông sen). Ngoài ngõ ra analog, phần lớn các đầu đọc CD đều có ngõ ra digital để kết nối với bộ DAC ngoài hoặc các thiết bị có cổng đầu vào tiếp nhận tín hiệu digital như receiver chẳng hạn. Ngõ ra digital cũng thường có hai loại: coaxial (đồng trục) và toslink (quang), trong đó cổng coaxial thường được sử dụng nhiều hơn và cũng mang lại chất lượng âm thanh tốt hơn. Ngoài các ngõ ra kể trên, một số đầu đọc cao cấp còn có ngõ ra BNC, XLR hay cổng 3 chân AES/EBU. Các ngõ ra này được thiết kế cho những loại dây tín hiệu đặc biệt, làm cho tín hiệu truyền đi đỡ nhiễu hoặc bị suy giảm.
Để mua được đầu CD tốt, ngoài việc quan sát mặt trước và sau máy, người mua nên kiểm tra các thông số của máy trong catalogue hay qua Internet. Đồng thời, cũng nên tìm hiểu sâu về thiết kế trong máy nếu có thể.
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy đầu đọc được thiết kế kỹ lưỡng, chuyên nghiệp là phía sau máy có cổng ballance. Dấu hiệu thứ hai dễ nhận thấy là các đầu đọc cao cấp thường có ổ đĩa dạng top loading nằm ở mặt trên máy hoặc có bộ cơ kết cấu phức tạp, hay hệ thống cố định đĩa để chống lại lực ly tâm trong quá trình mô tơ quay với tốc độ cao. Tất nhiên, dấu hiệu trên cũng chưa hẳn là đúng vì nhiều đầu đọc cao cấp vẫn bố trí ổ đĩa theo kiểu truyền thống. Dấu hiệu thứ ba là những đầu đọc cao cấp khi dùng tay nhấc lên, bạn thường thấy khá nặng do máy có nhiều biến áp và vỏ máy được gia cố để chống rung. Dấu hiệu thứ tư là các đầu đọc có tầng khuếch đại bằng đèn (tube) hoặc khuyếch đại bằng biến thế kết hợp với đèn, thường là những đầu đọc cao cấp.
Ngoài ra, người sử dụng cũng nên tham khảo những thông số của máy trong catalogue hoặc những thông tin mà có thể tìm hiểu được trên Internet. Thông thường, tần số lấy mẫu và số bit càng cao thì chứng tỏ đầu đọc đó xử lý càng tốt. Chẳng hạn một đầu đọc có khả năng upsampling lên tới 192kHz/24 bit sẽ có độ phân giải, độ chính xác tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, lý thuyết này cũng chỉ đúng trong phần lớn trường hợp chứ không phải tất cả. Một số đầu đọc 14 bit được sản xuất từ rất lâu vẫn đem lại một thứ âm thanh đặc biệt mà các đầu đọc đời mới chưa chắc đã đạt được.
Tỷ lệ S/N (signal to noise ratio) cũng là một thông số quan trọng. Tỷ lệ này càng cao thì chứng tỏ đầu đọc càng tốt. Thông thường tỷ lệ này không vượt quá 96dB. Ở một số đầu đọc cao cấp, tỷ lệ này đạt trên 100dB.
Nếu có khả năng tìm hiểu sâu hơn về thiết kế bên trong của máy thì bạn nên chú ý tới kết cấu các khối mạch và linh kiện được sử dụng. Nhiều đầu đọc chất lượng cao được thiết kế theo kiểu mạch cân bằng (hoặc mạch đối xứng) mà qua quan sát có thể dễ dàng nhận thấy. Một đầu đọc chất lượng tốt thường có 2 biến thế nguồn to và nặng, được bọc kim cho 2 mạch đối xứng. Một số đầu đọc sử dụng tới 3 biến thế nguồn. Các mạch cơ, mạch DAC, tầng ra analog, tầng ra digital… được tách biệt thành từng khối để tránh hiện tượng can nhiễu lẫn nhau. Thân máy cũng chia thành nhiều ngăn, nhiều lớp; các vỉ mạch thành phần tách rời nhau, hay bố trí chồng lên nhau thành các lớp. Những bó dây bên trong máy được sắp xếp ngăn nắp, khoa học, không chồng chéo lên nhau; IC đều được bọc lớp chống nhiễu. Linh kiện (tụ, trở, diod) của các đầu đọc cao cấp là loại đặc chế cho audio.
Bộ giải mã DAC của đầu đọc cũng là một thông tin quan trọng giúp cho nhận biết chất lượng của đầu đọc. Một số giải mã được dân chơi âm thanh ưa chuộng như TDA 1541 (1541A, 1541AS1, 1541AS2), TDA1547, PCM63, PCM1702, PCM1704, AD1865, dCS ring DAC, SA7350… Các đầu đọc cao cấp thường lắp nhiều giải mã song song để nâng cao khả năng phân giải của đầu đọc. Tất nhiên ngoài bộ giải mã còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh; nhưng một đầu đọc hay không thể sử dụng bộ giải mã loại chất lượng thấp.
Bộ cơ của máy cũng là một dấu hiệu để nhận biết chất lượng. Một số bộ cơ nổi tiếng thường được sử dụng trong các đầu đọc CD như cơ CDM của hãng Philips, cơ chống rung VRDS của hãng TEAC, hay cơ cu-roa (belt) của hãng CEC.
Công nghệ số thay đổi không ngừng. Các đầu đọc CD hiện tại có các thông số kỹ thuật tốt hơn nhiều so với các đầu đọc thế hệ cũ. Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người chơi âm thanh sành sỏi vẫn thích dùng đồ second hand hơn là đồ “brand new”.
Thông thường, các đầu đọc đời mới có khả năng đọc được nhiều định dạng đĩa, khả năng sửa lỗi tốt hơn, cập nhật nhiều kỹ thuật mới và có thêm nhiều chức năng, tiện ích. Song, các đầu đọc CD đời mới chất lượng cao thường rất đắt tiền, vượt ra ngoài tầm với của nhiều người; đặc biệt là ở thị trường Việt Nam khi phần lớn người chơi âm thanh có thu nhập thấp. Trong khi đó một chiếc đầu đọc CD đã qua sử dụng thì giá của nó sẽ giảm tương đối để vừa với khả năng đầu tư của nhiều người. Khá nhiều đầu đọc CD đời cũ đã thành danh trên thị trường, hiện vẫn chứng tỏ khả năng vượt trội về chất lượng so với đầu đọc đời mới có cùng tầm tiền.
Tất nhiên, chọn lựa đầu đọc cũ cũng chứa đựng nhiều rủi ro và bạn phải có một chút ít kiến thức để hạn chế những rủi ro đó. Đa phần căn bệnh của các đầu đọc đời cũ là mắt đọc bị yếu hoặc một số rất kén đĩa. Mua đầu đọc cũ cũng có nghĩa là phải chấp nhận một điều kiện bảo hành ở mức tối thiểu cùng những nguy cơ hỏng hóc cao do nó đã qua một thời gian sử dụng khá dài và trong phần lớn các trường hợp, các đầu đọc cũ đều có lai lịch không rõ ràng.
Công nghệ số tiếp tục có rất nhiều thay đổi trong tương lai. Vì vậy, khi đầu tư một khoản tiền đáng kể để sắm một chiếc đầu đọc CD, bạn phải nghĩ rằng sẽ có ngày phải thay thế hoặc nâng cấp nó. Một chiếc đầu đọc cao cấp sẽ đem lại cho bạn cảm giác hài lòng với nó trong một thời gian khá dài. Nhưng không phải ai cũng có khả năng sắm một chiếc đầu đọc đắt tiền. Bạn có thể xem xét một trong những phương án đầu tư sau:
Mua một chiếc đầu đọc có chất lượng và được nhiều người đánh giá tốt. Với những sản phẩm này, việc nhượng lại hoặc trao đổi sẽ dễ dàng hơn và bạn sẽ chỉ phải chịu một mức chiết khấu thấp vì thị trường dễ dàng chấp nhận những đầu đọc đã thành danh.
Mua một chiếc đầu đọc có bộ cơ tốt vì trong tương lai bạn có thể đầu tư tiếp cho bộ DAC rời và tận dụng đầu đọc này như một bộ cơ.
Chọn lựa một đầu đọc có khả năng nâng cấp bằng cách thay thế linh kiện, cải tạo lại nó để đạt tới chất lượng âm thanh tốt hơn. Trường hợp này đòi hỏi bạn phải có một chút hiểu biết về kỹ thuật.
Đa phần căn bệnh của các đầu đọc đời cũ hay đầu đọc “second-hand” là mắt đọc bị yếu, hoặc một số rất kén đĩa. Mua đầu đọc cũ cũng có nghĩa là bạn chấp nhận một điều kiện bảo hành ở mức tối thiểu cùng những nguy cơ hỏng hóc cao.
Đầu đọc second-hand rất hay hỏng mắt đọc.
Khi giá thành của đầu đọc CD đời mới chất lượng cao vượt quá tầm tiền của người chơi âm thanh bình dân, người ta sẽ nghĩ đến giải pháp mua đầu CD “second-hand”. Tuy nhiên, chọn lựa đầu đọc cũ cũng chứa đựng nhiều rủi ro, để hạn chế được điều này, người mua phải có kiến thức để hạn chế những rủi ro đó.
Đầu đọc second hand thường rất hay bị trục trặc về mắt đọc.Khi đi lựa đồ, nên mang theo một số đĩa bị xước hoặc đĩa khó đọc để thử. Trong trường hợp, mắt đọc không nhận đĩa hoặc khi đọc bị vấp thì bạn nên cân nhắc kỹ xem có nên mua hay không. Nếu mua thì bạn phải xác định khả năng thay mới mắt đọc. Một số loại mắt đọc đời cũ hiện rất khó kiếm trên thị trường nên bạn phải hỏi ý kiến tư vấn của các chuyên gia về khả năng thay mắt mới, thay mắt tương đương, “độ” lại mắt, hoặc thậm chí thay mới cả bộ cơ.
Nhiều người bán hàng điện tử cũ thường dùng thủ thuật “kích” mắt trước khi bán hàng, làm cho người mua hàng không thể phát hiện được mắt đọc bị yếu. Tuy nhiên, sau khi mang về nhà sử dụng vài tháng, mắt đọc sẽ bị hỏng hoàn toàn. Vì vậy, bạn luôn phải tính đến khả năng thay thế mắt đọc khi mua đầu cũ, trừ một số đầu đọc đời cao hoặc hàng “lướt”.
Kiểm tra tốc độ nhận track của đầu đọc bằng điều khiển hoặc nhấn trực tiếp.
Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra tốc độ nhận track của đầu đọc. Dùng điều khiển hoặc ấn trực tiếp các phím trên mặt máy để chuyển đổi các bài có số thứ tự cách nhau và theo dõi khả năng nhận tín hiệu của máy. Thời gian nhận tín hiệu càng nhanh thì khả năng xử lý của máy càng tốt. Ngược lại, nếu các số thứ tự hiển thị trên màn hình chập chờn, mắt đọc lâu nhận tín hiệu hoặc một số bài máy không nhận thì chắc chắn đầu đọc đó đã bị hiện tượng “tracking”.
Bộ cơ của đầu đọc cũ cũng hay có vấn đề.Nếu nhận thấy bộ cơ quay không đều hoặc phát ra những tiếng lịch kịch thì đó chính là dấu hiệu nó đã quá già cỗi. Lúc này, bạn cần xem xét lại quyết định mua của mình.
Một kinh nghiệm khi mua đồ cũ là chưa nên trả giá ngay.Bạn có thể về nhà tìm kiếm trên mạng, kiểm tra lại các thông tin về năm tháng sản xuất và các thông số kỹ thuật của nó, hoặc hỏi ý kiến tư vấn của những người chơi đồ có kinh nghiệm. Giá bán ban đầu (còn gọi là giá “sách” hay giá list) của đầu đọc cũng là một thông tin để giúp bạn đánh giá “đẳng cấp” của nó. Một đầu đọc second hand được bán trên thị trường chỉ với giá vài trăm USD nhưng giá “sách” của nó khi xuất xưởng lên tới 2.000 USD thì rất có thể đó là một đầu đọc loại tốt.
Nếu đã quyết định mua, bạn nên xem kỹ máy. Bắt đầu từ việc xem thật kỹ vỏ ngoài, quan sát mặt dưới của máy và các giắc cắm, nếu chúng bị xỉn, bị oxi hoá thì chứng tỏ chiếc đầu đọc này đã quá già cỗi. Sau đó bạn yêu cầu người bán hàng cho tháo vỏ ngoài máy và kiểm tra bên trong. Cố gắng phát hiện những vết hàn có vẻ khác thường, các con tụ bị xộc xệch, các bó dây bị rối tung một cách đáng ngờ… Những dấu hiệu đó chứng tỏ chiếc đầu đọc này đã bị sửa chữa. Bạn cũng nên xem thật kỹ kết cấu của máy và các linh kiện bên trong xem có phải là loại chuyên dùng cho audio không. Đôi khi thông qua động tác này, bạn có thể tìm thấy một chiếc đầu đọc hoàn toàn không có tên tuổi nhưng lại có một chất lượng âm thanh rất tốt.
Nhiều đầu đọc đời cũ có bộ cơ chắc chắn và thiết kế mạch hết sức kỹ lưỡng nhưng lại trình diễn hết sức nghèo nàn. Nguyên nhân là do mạch xử lý tín hiệu số DSP và đồng hồ xung master của nó đã quá lạc hậu. Nếu có thể nâng cấp được những linh kiện này thì đây sẽ là một đầu đọc lý tưởng. Vấn đề là bạn cần có hiểu biết sâu một chút về kỹ thuật để có thể làm được việc đó.
Cuối cùng, nghe thử cũng là một động tác hết sức quan trọng trong khi chọn lựa đầu đọc. Nếu có điều kiện, bạn nên nghe thử càng lâu càng tốt, để vừa thẩm định chất âm của đầu đọc, vừa xác định xem đầu đọc đó có bị lỗi gì không, nhất là khi thử với nhiều loại đĩa. Ở đây, kỹ năng nghe thẩm âm hết sức quan trọng. Bạn cần test thử khả năng xử lý từng dải (trung, cao, thấp) của đầu đọc, nghe kỹ âm hình của nó, chú ý tới các yếu tố như nhạc tính, không gian, dải động, độ chi tiết và tiết tấu khi xử lý các bản nhạc phức tạp, v.v… Trước khi đi mua bạn cũng phải dự kiến trước sẽ tìm đầu đọc loại gì để phối ghép với các thiết bị còn lại trong bộ giàn bạn đang có như loa, amply, bởi mỗi đầu đọc có một chất tiếng khác nhau. Trong quá trình nghe thử, bạn hãy cố hình dung khả năng phối ghép của nó trong bộ giàn nhà mình.
Nếu không có được kỹ năng thẩm âm, nếu ít kinh nghiệm và không hiểu biết nhiều về kỹ thuật để tự phân tích, cách tốt nhất là bạn nên nhờ một chuyên gia đi cùng để tư vấn, giúp bạn có được một quyết định sáng suốt.